1. Đặt vấn đề
Trong những năm qua, ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, Dệt May là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12 – 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong năm 2018 đã đạt trên 36 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng thứ hai thế giới về quy mô xuất khẩu hàng dệt may, chỉ sau Trung Quốc và đứng thứ tư về quy mô sản xuất hàng dệt may toàn cầu. Sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng lên hơn 4 lần, trong đó giá trị nội địa hóa của sản phẩm dệt may xuất khẩu tăng trên 6 lần. Bên cạnh đó, ngành Dệt May hiện sử dụng khoảng 3 triệu lao động công nghiệp, chiếm tỷ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước. Như vậy, ngành Dệt May đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Song để phát triển hơn nữa, ngành Dệt May cần những sự thay đổi mạnh mẽ hơn bằng việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư – cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Cuộc CMCN 4.0 đã và đang lan rộng ra phạm vi toàn cầu, tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của đời sống – xã hội, trong đó có ngành Công nghiệp Dệt May của thế giới nói chung và ngành Công nghiệp Dệt May của Việt Nam nói riêng.
CMCN 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất, làm thay đổi sâu rộng chuỗi giá trị sản phẩm, từ nghiên cứu – phát triển đến sản xuất, dịch vụ logistics đến dịch vụ khách hàng,… giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, vận chuyển, phân phối và làm tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Dệt May Việt Nam, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh hiện nay, bởi nhân lực để tiếp cận với CMCN 4.0 còn yếu, việc đầu tư để ứng dụng công nghệ còn hạn chế, do đó, đòi hỏi toàn ngành Dệt May phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được những yêu cầu của hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay và sau này.
2. Thực trạng phát triển của ngành Dệt May Việt Nam hiện nay
Ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam trong những năm gần đây được đánh giá đã có những bước tiến tích cực cả về sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong sản xuất của ngành Dệt May bình quân giai đoạn 2016 – 2020 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%. Năm 2020, ngành Dệt May là một trong những ngành chịu nhiều tác động tiêu cực và kéo dài của đại dịch Covid-19.
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nên chỉ số sản xuất công nghiệp ngành Dệt giảm 0,5%; ngành Sản xuất trang phục giảm 4,9%, làm đứt gãy nguồn cung nguyên liệu, thu hẹp thị trường tiêu thụ các sản phẩm may mặc, nhu cầu sản phẩm dệt may giảm sút mạnh khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch. Để khắc phục khó khăn, bù đắp cho các đơn hàng bị đứt gãy trong mua dịch bệnh, ngành Dệt May đã tăng sản xuất các sản phẩm bảo hộ, sản phẩm y tế, khẩu trang (cả nội địa và nước ngoài) do nhu cầu sử dụng tăng, tuy nhiên Ngành cần phải tìm cách tồn tại, phát triển phù hợp lâu dài trong bối cảnh mới.
Trong 9 tháng năm 2021, ngành Dệt May đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. Chỉ số sản xuất ngành Dệt và Sản xuất trang phục trong 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, chỉ số sản xuất ngành Dệt tăng 7,8%; ngành Sản xuất trang phục tăng 4,8%. Chỉ số sản xuất của một số sản phẩm trong 9 tháng năm 2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, như: vải dệt từ sợi tự nhiên ước tính đạt 501,5 triệu m2, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt 860,4 triệu m2, tăng 4,9%; quần áo mặc thường đạt 3.411,2 triệu cái, tăng 4,5%.
Đáng chú ý, so với cùng thời điểm trước đại dịch (9 tháng đầu năm 2019), sản xuất vải dệt từ sợi tự nhiên của Việt Nam tăng 5,4%; trái lại, sản xuất vải dệt từ sợi nhân tạo hoặc tổng hợp và sản xuất trang phục giảm lần lượt là 2,4% và 10%. Cùng với sản xuất, xuất khẩu toàn ngành Dệt, May mặc của Việt Nam cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong những năm gần đây.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, xuất khẩu toàn ngành Dệt May tăng trưởng bình quân 5,6%/năm. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến xuất khẩu của toàn Ngành giảm khoảng 10% so với năm 2019. Những tháng đầu năm 2021, thị trường dệt may toàn cầu có xu hướng hồi phục bởi các gói hỗ trợ về kinh tế và thông tin tích cực về triển khai vắc xin phòng dịch Covid-19; nhu cầu các mặt hàng nói chung và may mặc nói riêng đã phần nào hồi phục trở lại. Việc chuyển dịch đơn hàng từ các quốc gia cạnh tranh, đặc biệt là từ Myanma giúp cho Việt Nam đón nhận một lượng đơn hàng đột biến ngay từ quý I/2021. Ngoài ra, trong năm 2021, các doanh nghiệp dệt may không gặp phải vấn đề nguồn nguyên liệu bị đứt gãy như trong những tháng đầu năm 2020. Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp Dệt May Việt Nam dần hồi phục, với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng cho đến giữa năm 2021.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của ngành Dệt May, tuy vậy, đây là chỉ là sự gián đoạn trong ngắn hạn, dự báo, xuất khẩu toàn ngành Dệt May sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022.
Nhìn tổng thể về tình hình xuất khẩu ngành Dệt May trong những năm gần đây thấy rằng, tăng trưởng trong xuất khẩu của Ngành biến động theo xu hướng xuất khẩu chung của cả nước. Đáng chú ý, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, nhưng xuất khẩu toàn ngành Dệt May vẫn cho thấy sự tăng trưởng nhảy vọt trong 9 tháng năm 2021 (tăng trưởng hình chữ V). Có được kết quả trên là do ngành Dệt May Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để bắt kịp với xu hướng thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là sự chủ động của các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất; nâng cao trình độ tay nghề; chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Đặc biệt, việc các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành Dệt May chống chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, về điều kiện cần phải giao hàng nhanh,…
Để đạt được những thành tựu đáng khích lệ như trên, ngành Dệt May đã tận dụng được lợi thế lao động dồi dào, có kỹ năng và tay nghề, cùng vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Dệt May Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó lợi thế về lao động dồi dào và chi phí lao động thấp sẽ giảm dần. Dưới tác động của cuộc CMCN 4.0, ngành Dệt May Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ, xây dựng chiến lược đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao một cách kịp thời.
3. Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến ngành Dệt May Việt Nam
Sản xuất dệt may là một trong những ngành công nghiệp chịu nhiều thách thức nhất từ cuộc CMCN 4.0 do sử dụng nhiều lao động. Theo đó, áp dụng CMCN 4.0, tự động hóa sẽ được kết nối trên nền tảng internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, công nghệ sản xuất in 3D, phân tích dữ liệu lớn và trí thông minh nhân tạo sẽ dần dần thay thế người lao động trong các dây chuyền sản xuất trong nhà máy và trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may. Bên cạnh đó, trong bối cảnh hội nhập, xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành Sợi, Dệt, Nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng. Ngoài ra, xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D),… cũng sẽ phải theo xu thế này để kết nối minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Thống kê cho thấy, trên 70% doanh nghiệp trong ngành Dệt May Việt Nam có quy mô nhỏ và trung bình, nên sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ mới. Chỉ có 30% doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp lớn trong nước đã ứng dụng tự động hóa theo từng công đoạn sản xuất, trong đó dưới 5% có kế hoạch triển khai công nghệ tự động hóa kết nối. Qua khảo sát thực tế cho thấy, việc đáp ứng các yêu cầu của CMCN 4.0 đang là những thách thức rất lớn cho doanh nghiệp dệt may trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, trình độ nhân lực của các doanh nghiệp Dệt May còn thấp (với 84,4% lao động có trình độ phổ thông), trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%,…
Ngoài ra, trước bối cảnh hội nhập và diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, phương thức đặt hàng tự động trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ được ứng dụng rộng rãi trong khâu kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Thương mại điện tử cũng sẽ là kênh bán hàng được phát triển rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng trong ngành Sợi, đặc biệt là khâu bán hàng,… Điều đó càng đòi hỏi các doanh nghiệp Dệt May cần phải thường xuyên cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại và có định hướng đầu tư đúng đắn, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam bị mất khả năng cạnh tranh do lạc hậu. Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần CMCN 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới. Nếu các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, chất lượng nhân công và công nghệ lạc hậu như hiện nay, thì trong dài hạn, việc khủng hoảng thừa lao động sẽ trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, cần có kế hoạch giải quyết lao động dư thừa, xây dựng chiến lược đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao một cách kịp thời. Điều này không chỉ làm giảm bớt những nguy cơ biến động lao động, mà còn giúp tăng quy mô ngành Dệt May cả về năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu.
Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển của ngành Công nghiệp Dệt May Việt Nam. Để có dữ liệu nghiên cứu, phân tích, nhóm khảo sát đã tổ chức cuộc khảo sát thử nghiệm đối với khoảng 300 doanh nghiệp Dệt May trên khắp cả nước, trong đó khảo sát trực tiếp tại hơn 100 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khảo sát được chia thành 4 nhóm ngành, trong đó doanh nghiệp Sợi chiếm 29%, doanh nghiệp Dệt chiếm 16%, doanh nghiệp Nhuộm chiếm 18% và doanh nghiệp May chiếm 37%. Về cơ cấu theo loại hình sở hữu, có 58% số doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước, 18% số doanh nghiệp có vốn nhà nước và 24% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhóm khảo sát đã tham khảo phương pháp VDMA (Verband Deutscher Maschinen - und Anlagenbau) của Hiệp hội Kỹ thuật cơ khí Đức, để có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế tại Việt Nam, tập trung phân tích dựa trên các yếu tố: 1) Hệ thống quản trị thông minh; 2) Máy móc thiết bị thông minh; 3) Quản lý chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng dữ liệu; 4) Người lao động; 5) Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Bên cạnh đó, nhóm khảo sát cũng đưa ra các câu hỏi để đánh giá về nhận thức và mức độ chuẩn bị cho CMCN 4.0 của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, về độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với CMCN 4.0, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 trên thang điểm 5 của khảo sát. Trong đó:
– Về mức độ tự động hóa, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam hiện mới dừng ở trình độ tự động hóa thiết bị ở mức thấp. Cụ thể, ngành Sợi đang ở mức cao nhất đạt 3,3 điểm, tiếp đến là ngành Nhuộm với 2,9 điểm, ngành May đạt 2,7 điểm và thấp nhất là ngành Dệt đạt 2,2 điểm.
– Về mức độ sẵn sàng, ngành Sợi đang ở mức cao nhất là 3,02 điểm, tiếp đến là ngành May 2,85 điểm, ngành Nhuộm 2,3 điểm và thấp nhất là ngành Dệt 2,2 điểm.
– Về hệ thống quản trị, ngành May có mức điểm cao nhất với 3,11 điểm, tiếp đó là ngành Nhuộm 2,83 điểm, ngành Sợi 2,61 điểm và ngành Dệt đứng cuối nhóm với 2,46 điểm.
Điểm “nghẽn” khó nhất của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam đó là chi phí cho R&D thấp, gần như không có, do tỷ suất lợi nhuận thấp, tích lũy quy mô còn nhỏ. Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp May Việt Nam có dành ngân sách hằng năm cho hoạt động R&D, nhưng tỷ lệ chưa cao.
Như vậy, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc đầu tư bài bản theo xu hướng CMCN 4.0. Khó khăn nhất chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế thấp (bài toán về vốn). Trong khi đó, để phát triển theo kịp xu hướng CMCN 4.0, đòi hỏi vốn lớn, lãi phải trả cho chi phí đầu tư cao, khấu hao thiết bị cũng cao. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư vào máy móc, thiết bị tự động hóa và các giải pháp tăng năng suất cục bộ, chủ yếu để bù đắp thiếu hụt về lao động. Trong dài hạn, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ đầu tư quản trị theo hướng số hóa thiết bị để tiết giảm lao động, đối phó với nguồn cung lao động ngày càng giảm.
4. Giải pháp cơ bản đối với ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành Dệt May Việt Nam cần có những định hướng phù hợp trong bối cảnh CMCN 4.0, trong đó tập trung tự động hóa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá”. Đồng thời, chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ số, nền tảng công nghệ thông tin) để từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn, phát triển công nghệ thân thiện môi trường. Ngành Dệt May cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, đổi mới cách quản lý và chuyển dần sang xu hướng khai thác thị trường nội địa, chú ý khai thác thị trường handmade, phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh (sợi – dệt – nhuộm – may). Ngoài ra, cần tập trung vào sản phẩm phức tạp, giá trị cao, tránh sản xuất các sản phẩm cơ bản và sản phẩm bằng vật liệu tự kết dính,…
Ngành Dệt May Việt Nam cần có những bước chuẩn bị rất dài để thích ứng với cuộc CMCN 4.0, nếu không sẽ nguy cơ xảy ra những rủi ro lớn, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, các doanh nghiệp Dệt May trong nước cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, đầu tư phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Dệt May. Ở thời điểm hiện tại, công nghệ may đã được kết hợp chặt chẽ với công nghệ chế tạo máy. Tuy nhiên, trong tương lai, ngành May mặc rất có thể còn được ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống quản lý điện toán đám mây, công nghệ AI,… nhằm tạo nên một hệ thống giá trị cho doanh nghiệp và người sử dụng. Do đó, để phát triển, các doanh nghiệp cần phải đầu tư tiếp cận công nghệ dệt may hàng đầu của thế giới, nhằm giảm lượng lao động trên một sản phẩm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, nhằm giúp doanh nghiệp Dệt May tích lũy nguồn lực đầu tư công nghệ mới theo xu hướng của CMCN 4.0.
Thứ hai, từng bước đầu tư ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong ngành Dệt May. Cụ thể là, các doanh nghiệp cần đầu tư từng phần thiết bị sử dụng công nghệ số ở những khâu đơn giản, có tính lặp lại cao cho sản xuất các sản phẩm phức tạp, tính thời trang cao, như: áo jacket, veston, váy,… Song song với đó, cần đầu tư nền tảng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhà máy, tiến tới xây dựng nhà máy thông minh. Các doanh nghiệp ngành Sợi, Dệt, Nhuộm chưa hết khấu hao thiết bị cũ, cần đầu tư các thiết bị thí nghiệm, thay thế dần các thiết bị số,…
Thứ ba, đào tạo nguồn nhân lực. Song song với việc nâng cấp kiến thức và kỹ năng của nhân lực ngành Dệt May và Sợi dệt cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CMCN 4.0 vào Ngành thông qua việc mở thêm các ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận CMCN 4.0, đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0, nhà máy thông minh,…
Thứ tư, để áp dụng thành công các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào thực tiễn, cũng cần có các điều kiện cơ bản từ phía Nhà nước như xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật phù hợp với một nền kinh tế số. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu làm việc. Bên cạnh đó là việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, cũng như sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc ứng dụng cuộc CMCN 4.0.